Khung pháp lý trong thương mại điện tử (Phần 1)

Khi thương mại điện tử phát triển thành một xu thế và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh thì nó cũng đặt ra nhiều bài toán về khung pháp lý và cơ chế thực thi đòi hỏi có sự can thiệp của các cơ quan luật pháp và cơ quan quản lý. Hoạt động dựa trên các công cụ trực tuyến, tích hợp hàm lượng công nghệ cao luôn diễn ra dưới nhiều hình thức, đa dạng và thay đổi nhanh chóng, sự ra đời của các công cụ mới, hình thức mới, thậm chí là những “thủ thuật” mới nhằm “lách luật”, tránh sự ảnh hưởng của luật pháp. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, nhiều doanh nghiệp mới bước đầu áp dụng các hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến nên việc còn bỡ ngỡ, tình trạng làm sai, làm không đúng quy trình, thủ tục còn diễn ra nhiều. Trước tình trạng đó, một số vấn đề nên được các cơ quan ban ngành có thẩm quyền xem xét trong tương lai để tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch và hợp pháp cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.

KN_XIN_VIEC[1]

Đầu tiên, tiếp tục các hoạt động hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Hoạt động này đã được quy định trong Thông tư số 47/2014/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, tuy nhiên đến nay việc khai báo thông tin website còn chưa diễn ra đồng bộ, nhiều doanh nghiệp nhỏ hoặc thậm chí chưa thành lập doanh nghiệp vẫn tiến hành xây dựng website thương mại điện tử và chưa khai báo với cơ quan quản lý. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (2014), sau hơn một năm Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có hiệu lực, đã có 7.814 tài khoản doanh nghiệp được duyệt trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT, số lượng hồ sơ thông báo website TMĐT bán hàng được xử lý trong năm 2014 là 9.075 hồ sơ, trong đó số website được xác nhận thông báo tính đến cuối tháng 12/2014 là 5.082 website. Đây là những con số còn rất khiêm tốn nếu so với số lượng doanh nghiệp thực tế đang thực hiện hoạt động thương mại điện tử. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp tiến hành bán hàng, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo trên các diễn đàn, chợ rao vặt điện tử, và đặc biệt là mạng xã hội nước ngoài (tên miền nước ngoài và không có văn phòng đại diện tại Việt Nam) vẫn chưa được quản lý rõ ràng cũng như chưa được hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký, khai báo hoạt động. Trong khi đa số doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng mạng xã hội nước ngoài cho mục đích kinh doanh và nếu có hoạt động bán hàng giả, hàng nhái, đưa thông tin sai sự thật, hoặc cạnh tranh không lành mạnh thì rất khó tìm ra chế tài xử phạt các hoạt động này. Vì vậy việc khai báo và quản lý hoạt động thương mại điện tử trên website và mạng xã hội cần được hoàn thiện sớm nhất có thể.