Thực trạng sử dụng mạng xã hội vào hoạt động xúc tiến thương mại

Các doanh nghiệp nhận ra tiềm năng rất lớn từ mạng xã hội, đặc biệt, với cộng đồng mở miễn phí, không đòi hỏi nhiều yêu cầu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ coi đây là một công cụ lý tưởng cho hoạt động xúc tiến thương mại của mình.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin ( 2014) có 49% doanh nghiệp tích hợp mạng xã hội vào website dưới dạng chèn hộp “bình luận”, “chia sẻ”, “thích”, 53% website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có tích hợp mạng xã hội, tiện tích này chỉ đứng sau chức năng lọc/tìm kiếm sản phẩm và hỗ trợ trực tuyến vốn là 2 chức năng cơ bản của một gian hàng trực tuyến.

thuc-trang-mang-xa-hoi

(Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, 2014)

Năm 2014 mạng xã hội vươn lên trở thành công cụ hàng đầu để quảng bá website với 50% doanh nghiệp được khảo sát sử dụng, hiệu quả quảng cáo từ mạng xã hội đứng thứ hai chỉ sau các công cụ tìm kiếm.

Theo một khảo sát khác được thực hiện bởi Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Đại học Ngoại thương (2015), 41,2% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết đã giao tiếp với khách hàng thông qua mạng xã hội như Facebook, Twitter từ 1 đến 2 năm; 14,1% doanh nghiệp đã triển khai trên 2 năm. 23,5% doanh nghiệp đang thử nghiệm đưa mạng xã hội thành một kênh giao tiếp với khách hàng. Chỉ 4,7% doanh nghiệp được hỏi chưa có kế hoạch cho tương lai.

Mức độ sử dụng mạng xã hội của doanh nghiệp

muc-do-su-dung

(Nguồn: Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, 2015)

Mạng xã hội tỏ ra hiệu quả trong việc tương tác với khách hàng, phát triển thương hiệu và truyền tải thông tin sản phẩm, tuy nhiên việc triển khai bán hàng trên mạng xã hội vẫn còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (2014) có 24% doanh nghiệp được khảo sát trả lời có bán hàng trên mạng xã hội, 8% doanh nghiệp có kế hoạch bán hàng trong năm 2015, 68% doanh nghiệp chưa triển khai hoạt động này.

Tỷ lệ doanh nghiệp bán hàng trên mạng xã hội

ty-le-doanh-nghiep-ban-hang-tren-mang-xa-hoi

(Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, 2014)

Thực tế, tại Việt Nam, việc bán hàng thông qua mạng xã hội mới chỉ được đẩy mạnh trên Facebook khi mạng xã hội này cho ra đời hình thức mua quảng cáo Facebook Ads. Tuy nhiên, ngay cả khi quan tâm nhiều hơn tới các doanh nghiệp thì các mạng xã hội vẫn phải giữ đúng tính chất của một cộng đồng chia sẻ và lan tỏa, các hoạt động như lựa chọn hàng hóa, đặt hàng, thanh toán đều không được tích hợp mà phải điều hướng tới website thương mại điện tử.

Tìm hiểu hoạt động quảng cáo Facebook Ads của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Hình thức quảng cáo Facebook Ads giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp đến đúng đối tượng mục tiêu xác định từ trước, việc triển khai tương đối giống với hình thức quảng cáo mạng hiển thị của Google Display Network, tuy nhiên quảng cáo Facebook Ads chỉ được phân phối trong phạm vi trang mạng xã hội Facebook. Việc phân phối quảng cáo của Facebook cũng dựa vào cơ chế đấu giá cho mỗi nội dung và đối tượng cần quảng cáo. Chi phí dành cho quảng cáo Facebook của các doanh nghiệp thường dao động từ 100.000đ đến 20.000.000đ một ngày.

Về các chỉ số đo lường, hình dưới đây là một báo cáo sau chiến dịch của một quảng cáo thặng hạng bài đăng trên Facebook cho sản phẩm đồng hồ đeo tay, CPC đạt mức trung bình 700đ, quảng cáo tiếp cận 9 nghìn đối tượng, thu về hơn 500 tương tác với bài quảng cáo, tỷ lệ nhấp vào quảng cáo là 6,694%. Với quảng cáo này, doanh nghiệp trả cho Facebook gần 400.000đ.

quang-cao-facebook-ads

(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ báo cáo kết quả Facebook Ads, 2015)

Đầu năm 2015, Facebook cho ra mắt chương trình Facebook Go nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên Facebook, với các doanh nghiệp chi tiêu trên 25USD mỗi ngày sẽ được hỗ trợ trực tiếp trong việc tạo quảng cáo và tối ưu hiệu quả. Với chi phí hợp lý và được hỗ trợ tốt, rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia chương trình và tự mình thực hiện được hoạt động Facebook Ads thay vì đi thuê đại lý thứ ba như trước đây.