Sử dụng website trong xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp VVN tại Việt Nam

Website là công cụ trực tuyến cơ bản và phổ biến nhất được các doanh nghiệp sử dụng trong việc truyền tải thông tin, giao tiếp với khách hàng, một công cụ cơ bản của xúc tiến thương mại trực tuyến.

  • Số lượng website của doanh nghiệp

Theo kết quả từ cuộc khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (2014), khảo sát 3.538 doanh nghiệp (trong đó có 91% là doanh nghiệp vừa và nhỏ) thì 45% doanh nghiệp có sở hữu website riêng, lĩnh vực có tỷ lệ sở hữu website cao nhất là công nghệ thông tin và truyền thông (69%).

tinh-hinh-so-huu-website

(Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, 2014)

Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp sở hữu website tăng dần trong 4 năm trở lại đây từ 30% lên 45%, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp sẽ xây dựng website trong năm tới thường ổn định ở mức 10% số lượng khảo sát.

Về số lượng website theo lĩnh vực hoạt động, cũng theo kết quả của cuộc khảo sát trên, nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh cực công nghệ thông tin, truyền thông có tỷ lệ các doanh nghiệp sở hữu website lớn nhất (69%), đứng thứ hai là lĩnh vực du lịch, ăn uống với 64% doanh nghiệp có website, thấp nhất trong số các lĩnh vực hoạt động đó là xây dựng khi chỉ có 22% các doanh nghiệp xây dựng sở hữu website. Đây là một hiện tượng hợp lý khi mà nhóm ngành công nghệ thông tin, truyền thông hay dịch vụ, ăn uống hướng tới đối tượng giới trẻ, ưu thích sử dụng các công cụ trực tuyến. Trong khi đó, xây dựng là ngành có sản phẩm đặc thù, giá trị lớn, khó mô tả, truyền tải hết thông qua website, việc tiếp xúc, tương tác, giải đáp yêu cầu cũng như đưa ra những gói tư vấn, gói thi công thường được trao đổi trực tiếp với khách hàng, nhà thầu…

so-luong-website-theo-linh-vuc-hoat-dong

(Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, 2014)

Cuộc khảo sát diễn ra trên đối tượng là các doanh nghiệp nói chung, tuy nhiên có tới 91% trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên số liệu trên phần nào phản ánh được số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu website.

Thực tế, ngay cả khi Bộ Công thương ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử thì việc kiểm soát số lượng website của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do việc khởi tạo và vận hành website có thể được thực hiện một cách dễ dàng: Bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể sở hữu một tên miền (trừ một số trường hợp tên miền dành riêng cho chính phủ, giáo dục…), cũng như sở hữu một server riêng hoặc thuê một dịch vụ hosting của nước ngoài hoặc Việt Nam nhằm lưu trữ, cài đặt website.

Về sự ra đời của các website mới, bên cạnh việc tự thiết kế website, các doanh nghiệp thường thuê một công ty thiết kế và cài đặt website. Theo ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty Cổ phần công nghệ DKT, dự kiến năm 2015, hệ thống Bizweb sẽ có 3.000-4.000 khách hàng, 80% trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những nhà thiết kế nhỏ hơn cũng nhận được 10-20 đơn hàng mỗi tháng.

  • Chất lượng website của doanh nghiệp

Việt Nam đang phát triển ở giai đoạn 2 của thương mại điện tử, chuẩn bị bước sang giai đoạn thứ 3,chất lượng website cũng được nâng cao để đáp ứng yêu cầu của các hoạt động xúc tiến thương mại. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (2014) có tới 57% số lượng website tích hợp việc trưng bày sản phẩm trực tiếp trên website, cho phép lựa chọn giỏ hàng của khách hàng trực tiếp, 43% số lượng website được thiết lập với mục đích giới thiệu thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm hay dịch vụ. Các tiện ích được cung cấp trên website cũng rất đa dạng và phong phú.

chat-luong-website-tich-hop-tien-ich

(Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, 2014)

Tiện ích được sử dụng nhiều nhất chính là hỗ trợ trực tuyến. Tính đến năm 2014, 82% số website được khảo sát đã tích hợp được tiện ích này, tăng  26% so với năm 2013, 57% website đã tích hợp tiện ích giỏ hàng, cho phép khách hàng lựa chọn, thêm bớt sản phẩm, 54% website cho phép xác nhận đơn hàng qua email, SMS. So sánh sản phẩm vẫn là tiện ích ít được tích hợp nhất (14%), nguyên nhân là do sự khó khăn trong việc lấy thông tin sản phẩm của các doanh nghiệp khác để so sánh, hơn nữa vấn đề về đạo đức kinh doanh khiến các doanh nghiệp tránh sự so sánh với các đối thủ khác.

Thực tế, việc đưa thông tin lên website và đẩy mạnh hoạt động tương tác với khách hàng thông qua website đã được các doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm trong vài năm trở lại đây và sẽ còn được phát triển trong những năm tới. Theo cuộc khảo sát 85 website thương mại điện tử của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung tâm Nghiên cứu thị trường, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế năm 2015, có 27 website đã tích hợp khung chat, nhận lời nhắn với khách hàng được trên 2 năm, 29 website đã triển khai tiện ích này được 1-2 năm, 13 website đang thử nghiệm, 12 website  đã có kế hoạch triển khai trong tương lai và chỉ 4 website chưa có kế hoạch đưa tiện ích này vào sử dụng.

so-website-tich-hop

(Nguồn: Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Đại học Ngoại thương, 2015)

Đây là bước tiến rất lớn trong chất lượng website. Trước kia, website chỉ là nơi đưa ra thông tin “tĩnh”, người truy cập vào đọc thông tin, mọi thắc mắc, yêu cầu phải được thực hiện thông qua gọi điện, gửi thư điện tử. Điều này gây ra tâm lý e ngại từ phía khách hàng, doanh nghiệp thường mất đi những khách hàng tiềm năng.

Về các chỉ số chất lượng khác, liên quan nhiều nhất đến việc hiển thị và truyền tải thông tin trên website đó là chỉ số responsive. Việc thiết kế website hiển thị tốt trên nhiều loại thiết bị khác nhau đã được doanh nghiệp ngày càng quan tâm. Đối với những doanh nghiệp đã sở hữu website được thời gian dài, họ có xu hướng thiết kế riêng một giao diện khác dành riêng cho các thiết bị di động, và tránh tác động vào website cũ, vốn đã quen thuộc với người dùng. Đối với các doanh nghiệp mới thiết kế và vận hành website, họ thường yêu cầu tích hợp tính năng responsive vào website, giúp website tùy biến hiển thị trên nhiều thiết bị có kích thước và độ phân giải khác nhau.

  • Tình hình tham gia các sàn giao dịch trực tuyến, gian hàng điện tử

Các doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa xây dựng website hoặc website hoạt động chưa hiệu quả thường áp dụng phương pháp này để thực hiện việc đăng tải thông tin về công ty, sản phẩm, dịch vụ của mình.

tinh-hinh-doanh-nghiep-tham-gia-san-truc-tuyen

(Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, 2014)

Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch trực tuyến có xu hướng tăng dần lên theo các năm. Năm 2014, có 15% doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch trực tuyến, gần gấp 2 lần so với năm 2011 (9%).

Một trong những gian hàng trực tuyến lớn nhất Việt Nam là Vatgia.com của Công ty Cổ phần Vật giá Việt Nam. Theo thống kê trên website, có 15 nhóm sản phẩm, dịch vụ chính đang được các doanh nghiệp đăng ký gian hàng và đăng tải thông tin thường xuyên.

Tính đến tháng 4 năm 2015, có 170.653 doanh nghiệp (99% là doanh nghiệp vừa và nhỏ) đang đăng ký gian hàng trên Vatgia.com, trong đó nhóm sản phẩm máy tính, linh kiện có 24.159 gian hàng, chiếm 14,16% tổng gian hàng, đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là các nhóm sản phẩm công nghiệp, xây dựng (23.630 gian hàng) và điện tử, điện máy (21.940 gian hàng). Nhóm sản phẩm có ít doanh nghiệp đăng ký gian hàng nhất đó là máy ảnh, máy quay với 3.035 gian hàng.

so-gian-hang-tren-Vat-gia

(Nguồn: Công ty Cổ phần Vật Giá Việt Nam, 2015)

Ngoài ra, website còn được sử dụng như là một công cụ của hoạt động PR cho doanh nghiệp, tuy nhiên ở Việt Nam, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể tạo ra được những ảnh hưởng lớn đến công chúng để tự mình xây dựng hoạt động này, mà thường phải thuê những website lớn, có uy tín để đăng bài PR. Một số website lớn thường được các doanh nghiệp hợp tác gồm Dantri.com.vn, Vnexpress.net, Cafef.vn, Vneconomy.vn… Hoạt động PR qua website được thực hiện ở mức độ vừa phải và tự nhiên.

(Còn tiếp…)