Đo lường hiệu quả sử dụng website

do-luong-hieu-qua-su-dung-website

Để đo lường hiệu quả của việc sử dụng website người ta thường sử dụng các công cụ như Webmaster tool, Google analystics, Alexa, Ahref…Các công cụ này đưa ra rất nhiều các chỉ số để từ đó có được đánh giá tổng thể về một website. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết, tác giả chỉ đưa ra những chỉ số đo lường hiệu quả của website với vai trò là một trong những công cụ xúc tiến thương mại hay nói cách khác là đánh giá website có đủ tốt trong việc truyền tải thông tin, tương tác với khách hàng. Việc đánh giá này phải được đứng trên góc độ là một khách truy cập website đưa ra ý kiến, chứ không đi vào các vấn đề liên quan đến thứ hạng website theo thuật toán, hoặc các chỉ số theo tiêu chuẩn của các bộ máy truy vấn tự động.

Thời gian tải website: Là thời gian trang web được tải về trình duyệt từ khi người dùng nhấn truy cập lần đầu tiên cho đến khi website được hiển thị đầy đủ trên thiết bị. Thời gian tải trang được đánh giá bằng công cụ PageSpeed Insight của Google theo thang điểm 100. Trong đó dưới 70/100 là website chưa tốt, từ 70-85 là webstie tốt, trên 85/100 là website xuất sắc. Dưới góc độ khách truy cập, họ không thể sử dụng công cụ trên để kiểm tra mỗi lần vào các trang web mà họ thường dựa vào thời gian thực để đưa ra đánh giá. Một website được đánh giá tốt khi có tốc độ tải trang dưới 5 giây.

Thiết kế responsive: Cho thấy khả năng hiển thị tùy biến trên nhiều thiết bị như máy máy tính, tính bảng, điện thoại…nhằm đảm bảo thông tin được hiển thị đầy đủ cho dù khách truy cập trên bất cứ thiết bị, nền tảng nào. Một website có tính responsive được đánh giá là tốt hơn một website không có tính responsive. Thậm chí, tháng 2 năm 2015 Google đã chính thức đưa yếu tố này làm một trong các yếu tố để xếp hạng website trên các bộ máy tìm kiếm.

Thời gian onsite: Là thời gian trung bình kể từ khi khách truy cập vào website cho đến khi thoát hoàn toàn khỏi website đó. Thời gian onsite càng lớn cho thấy website đủ sức hút giữ chân khách truy cập, chứng tỏ nội dung website là phong phú và đem lại lợi ích cho người dùng.

Tỷ lệ thoát: Là tỷ lệ truy cập  một trang, là tỷ số giữa số lượt truy cập một trang chia cho tổng số lượt truy cập. Tỷ lệ thoát càng cao cho thấy người dùng có xu hướng chỉ vào 1 trang trên website, không hoặc rất ít tương tác sau đó thoát ra, do website của doanh nghiệp không hề hấp dẫn, hoặc chỉ đáp ứng được một nhu cầu của họ chứ không có sự gợi mở sang những nhu cầu khác, điều này thực sự không được đánh giá cao. Một website tốt chỉ nên có tỷ lệ thoát từ 15%-30%.

Tích hợp tương tác trực tiếp: Website hiện nay đòi hỏi có sự tương tác trực tiếp giữa khách truy cập và người quản trị để kịp thời giải đáp những thắc mắc, đáp ứng những yêu cầu của người dùng. Việc liên hệ qua số điện thoại, email là vẫn cần thiết nhưng nếu có một hộp chat trực tuyến để trò chuyện trực tiếp giữa khách truy cập và chủ website sẽ giải quyết được mối quan tâm nhất thời của khách hàng và tránh sự thay đổi hành vi trong tương lai.