Ứng dụng mạng xã hội trong xúc tiến thương mại trực tuyến
|Theo quan điểm của Antony Mayfield (2008), mạng xã hội là những website cho phép người dùng tạo những trang cá nhân và kết nối với những người khác để chia sẻ hoặc cùng tham gia thảo luận tại một cộng đồng trực tuyến.
Điểm đặc biệt cũng là bản chất của mạng xã hội đó là một cộng đồng trực tuyến mở, nơi mọi người có thể giao lưu chia sẻ mọi thứ với nhau. Những mạng xã hội lớn nhất hiện nay bao gồm Facebook, Youtube, Google Plus, Twitter…
Có thể sử dụng mạng xã hội như một công cụ xúc tiến thương mại dưới các hình thức cụ thể sau đây:
- Tạo lập các trang dành riêng cho doanh nghiệp nhằm kết nối những người có cùng mối quan tâm, nơi cập nhật những thông tin, sản phẩm mới nhất
- Tạo lập một nhóm những người có cùng sở thích hoặc một nhóm khách hàng có tiềm năng để chăm sóc đặc biệt
- Tạo các sự kiện trực tuyến nhằm thu hút người quan tâm, chia sẻ, thu thập thông tin phản hồi, đánh giá của khách hàng
- Mua quảng cáo từ phía nhà cung cấp để được hiển thị thông điệp của mình tới những nhóm đối tượng tiềm năng
- Sử dụng các tài khoản cá nhân để thực hiện hoạt động bán hàng cá nhân trực tiếp với những bạn bè trong vòng kết nối
- Tạo các nội dung nổi bật, cuốn hút và sử dụng các trang cá nhân, trang cộng đồng để lan tỏa tới nhiều người, thích hợp trong trường hợp xây dựng hình ảnh thương hiệu
Lợi ích mạng xã hội mang lại cho doanh nghiệp bao gồm:
- Thiết lập mối quan hệ với số đông khách hàng mục tiêu, những mối quan hệ này được xây dựng một cách tự nhiên dựa trên cùng chung sở thích, mối quan tâm chứ không gò bó, ép buộc
- Khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, bản chất của mạng xã hội là chia sẻ và lan tỏa, vì vậy một nội dung rất dễ bị đẩy lên thành “hiện tượng mạng” khi nằm trong mối quan tâm của nhiều người cùng với một chiến lược truyền thông hợp lý.
- Mạng xã hội dễ dàng thu thập thông tin cá nhân của người dùng, đặc biệt là về hành vi, thói quen, sở thích.
Bên cạnh những ưu điểm trên, mạng xã hội cũng chứa đựng nhiều rủi ro cho người dùng và cả doanh nghiệp, cụ thể như:
- Vấn đề bảo mật thông tin, người dùng cũng như doanh nghiệp dễ bị mất những thông tin về bản thân , về hoạt động kinh doanh
- Việc tiếp xúc và làm việc với những người không biết ngoài đời thực đặt ra vấn đề về đạo đức, lừa đảo trên mạng
- Vấn đề khủng hoảng truyền thông và cách xử lý khủng hoảng khi thông tin đã được lan truyền rộng rãi
- Các thế lực chống đối lợi dụng tính chất lan tỏa để phá hoại hoạt động của cá nhân, tổ chức.
Vì bản chất của mạng xã hội là tính lan tỏa và tương tác, vì vậy để đo lường hiệu quả, người ta thường chú ý đến các chỉ số tiếp cận (Reach), tương tác (Engagement), tỷ lệ chuyển đổi tương tác thành đơn hàng. Nhìn chung, các chỉ số trên càng lớn càng cho thấy hiệu quả của hoạt động trên mạng xã hội của doanh nghiệp.