DN vừa và nhỏ tại VN: Loay hoay chuyển mình xúc tiến thương mại trực tuyến

xuc-tien-thuong-mai

Sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử cùng với sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống mạng viễn thông khiến con người trở nên gần nhau hơn trong việc chia sẻ thông tin và tương tác với nhau. Tri thức nhân loại ngày càng phát triển khi biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các hoạt động của con người, một trong những hoạt động đó là hoạt động thương mại. Hoạt động thương mại dựa trên nền tảng mạng viễn thông kết hợp với các thiết bị điện tử hình thành hoạt động thương mại điện tử. Khởi nguồn từ các nước phát triển, hình thức thương mại điện tử nhanh chóng khẳng định vị thế so với thương mại truyền thống và lan sang các nước đang phát triển thông qua quá trình phổ cập Internet và công nghệ thông tin.

Việt Nam là một trong những nước đang trong quá trình chuyển giao từ giai đoạn 2 lên giai đoạn 3 của thương mại điện tử, giai đoạn đòi hỏi có sự cộng tác toàn diện giữa doanh nghiệp với chính phủ, doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với khách hàng. Thực tế, Việt Nam đang bắt kịp khá nhanh với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (2014) tính đến tháng 11/2014, số người dùng Internet ở Việt Nam là trên 34 triệu người, chiếm 36% dân số, 80% trong số đó truy cập hàng ngày với thời gian trung bình từ 1-1,5 giờ, 36% trong số 900 người tham gia khảo sát sử dụng Internet 3-5 giờ ; cùng với đó là hơn 134 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Đây là những thuận lợi không nhỏ để các doanh nghiệp triển khai thương mại điện tử. Tuy nhiên, một bộ phận các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc triển khai hoặc triển khai còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ thương mại điện tử đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến. Theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm ước tính đạt khoảng 145 USD và doanh số thu từ thương mại điện tử B2C chỉ đạt khoảng 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12 % tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Trong khi đó, xúc tiến thương mại trực tuyến là một nhân tố quan trọng trong mô hình thương mại điện tử, khi hoạt động trao đổi, buôn bán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến phát triển sẽ tạo tiền đề để triển khai giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, và tích hợp công nghệ thông tin ở các cấp độ cao hơn.

Những năm gần đây, chính xác là 2-3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập mới bắt đầu đi tuyển nhân sự, cử người tham gia đi học các chương trình đào tạo về “Marketing Online” thâm chí người ta còn chưa hiểu rõ  làm Marketing Online là làm cái gì? Mông lung trong mớ Digital Marketing, Marketing Online, E-Marketing, Internet Marketing… Những gì thu về đa phần là cái ngọn của một quá trình, chạy theo xu hướng, phải số hóa, phải đưa bằng được mọi thứ lên “online” rồi đến khi thành công hay thất bại, hiệu quả hay không hiệu quả cũng không biết tại sao !

Trong thời gian tới, có lẽ  nhiều doanh nghiệp chưa vội đầu tư mạnh mẽ vào các công cụ trực tuyến nhất là khi chưa có đủ cái nhìn về tiềm năng, chưa có động thái nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như chưa có một kế hoạch triển khai hoàn chỉnh ! Nghe ngóng, đo lường và chuyển hướng từ từ sẽ là lựa chọn đúng đắn cho đa số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, bên cạnh đó chúng ta hoàn toàn có thể chờ đón những cú “nổ” từ những “ông lớn” đã ấp ủ dự án thương mại điện tử từ lâu !