Xúc tiến thương mại là gì?

Xúc tiến thương mại hay còn gọi là Promotions, một trong những chữ P trong các mô hình 4Ps hoặc 7Ps của marketing mix. Có khá nhiều định nghĩa về xúc tiến thương mại, tuy nhiên điểm gặp nhau giữa chúng là bản chất của nó.

xuc-tien-thuong-mai
Xúc tiến thương mại

Về cơ bản, xúc tiến thương mại là hoạt động trao đổi và hỗ trợ trao đổi thông tin giữa người bán và người mua, hoặc các khâu trung gian nhằm tác động tới thái độ và hành vi mua bán, qua đó thúc đẩy việc mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ chủ yếu nhằm mở rộng và phát triển thị trường.

Xét với vai trò là một chữ P trong mô hình marketing mix, bản chất của xúc tiến thương mại (Promotions) là thể hiện tất cả những gì tốt đẹp nhất mà doanh nghiệp có từ chính sách giá (Price), chính sách sản phẩm (Product), đến hoạt động phân phối (Place),… tới nhóm khách hàng mục tiêu và gợi mở nhu cầu từ nhóm đối tượng này. Như vậy, XTTM là cầu nối giữa cung cầu để nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng đồng thời giảm chi phí và rủi ro trong kinh doanh. Nhờ hoạt động xúc tiến mà người tiêu dùng biết được khả năng cung ứng của doanh nghiệp, biết được sản phẩm nào đang tồn tại trên thị trường với những đặc tính gì, sản phẩm đó được phân phối như thế nào, ở đâu…đồng thời qua đó, doanh nghiệp cũng lắng nghe được những phản hồi của người tiêu dùng thông qua các chỉ số đo lường về hoạt động xúc tiến, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với xu hướng và từng bước làm hài lòng khách hàng bằng cách đáp ứng những nhu cầu của họ. Quá trình ra quyết định mua là một quá trình tương đối dài và không đơn giản, người tiêu dùng sẽ không đưa ra quyết định mua hàng khi không có đủ thông tin về sản phẩm, hình thức, kiểu dáng, chất lượng hay giá cả, và liệu sản phẩm họ dự định mua có đáp ứng được thị hiếu, sở thích và khả năng họ hay không…

Bản chất của hoạt động XTTM còn là việc tìm kiếm cơ hội cơ hội kinh doanh một cách chủ động, định hướng hoạt động bán hàng theo kịp xu thế thị trường. Rõ ràng, không phải lúc nào một chiến dịch bán hay mua hàng luôn được đảm bảo thành công, có khi nó chỉ hợp lý trên lý thuyết giấy tờ còn khi ra ngoài thực tế ta buộc phải mua sản phẩm thay thế hoặc loại bỏ bao bì, nhãn mác hay phương thức thanh toán cũ… Triển khai một hoạt động xúc tiến không đồng nghĩa với việc phải bán được sản phẩm, đôi khi nó mang tính chất “nghe ngóng” và định hướng hành vi người tiêu dùng, đưa người tiêu dùng làm quen với một thói quen thanh toán mới, một kênh phân phối mới mà doanh nghiệp có thế mạnh.

Như vậy, bản chất của XTTM gắn liền với hiệu quả của một chiến dịch marketing, rộng hơn là hiệu quả kinh doanh.