Đo lường hiệu quả sử dụng Email marketing

Các công cụ gửi email marketing đều có những hệ thống đo lường hiệu quả các chỉ số sau khi email đã được gửi đến người nhận. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mục đích của chiến dịch email mà có những thang đo phù hợp cho những chỉ số này:

mail contact

Tổng số lượt mở: Là số lần email được người nhận mở ra, cứ mỗi lần người nhận mở ra là hệ thống tính vào 1 lượt mở. Về cơ bản, tổng số lượt mở càng lớn chứng tỏ người nhận càng quan tâm tới thông tin chứa trong email.

Tổng số lượt mở duy nhất: Là số lần mở của những người nhận khác nhau, cho dù một người mở email nhiều lần thì hệ thống chỉ tính 1 lần đầu tiên. Chênh lệch giữa tổng số mở duy nhất và tổng số mở càng lớn chứng tỏ người nhận mở email càng nhiều lần, cho thấy một mối quan tâm lớn tới thông tin chứa trong email, cũng có khi lượng thông tin trong email là quá khó ghi nhớ khiến người nhận phải xem lại nhiều lần.

Tỷ lệ mở: Là tỷ số giữa tổng số lượt mở và tổng số email gửi đi. Tỷ lệ mở càng cao chứng tỏ người nhận càng quan tâm tới thông tin trong đó, đồng thời cho thấy đối tượng gửi email là khá phù hợp.

Tỷ lệ email hỏng (bounce): Là tỷ lệ email gửi đi không đến được tới người nhận vì một lý do nào đó. Có 2 loại email hỏng: Hỏng cứng và hỏng mềm. Email hỏng mềm đa phần nguyên nhân là do hộp thư của người nhận đã đầy hoặc họ chủ động chặn nội dung thư , cũng có thể tại thời điểm gửi email, hệ thống gửi hoặc nhận gặp trục trặc kỹ thuật. Những email hỏng cứng là những email gửi tới người nhận không tồn tại, khi quá nhiều email hỏng cứng được phát hiện, các nhà cung cấp dịch vụ email (Email service provider – ESP) sẽ đưa hệ thống máy chủ, tên email này vào “danh sách đen” và sẽ chặn toàn bộ những email được gửi đi từ hệ thống máy chủ và/hoặc tên miền đó.

Tỷ lệ bỏ theo dõi: Thông thường, khi chiến dịch email marketing được gửi tự động bởi một công cụ gửi email, thông qua một hệ thống máy chủ thì đi kèm email thường có một lựa chọn cho người nhận đó là hủy đăng ký nhận email. Khi nhấn vào đường dẫn này, người nhận sẽ không còn nhận được email quảng cáo. Tỷ lệ bỏ theo dõi càng cao chứng tỏ email gửi đi là không phù hợp, nội dung truyền tải không thuyết phục, không đem lại lợi ích cho người nhận. Thông thường, nếu tỷ lệ này lớn hơn 2% thì doanh nghiệp cần xem lại chiến dịch của mình vì chưa hiệu quả.

Tỷ lệ phản hồi: Đây là tỷ lệ đo sự tương tác ngược lại từ phía người nhận tới người gửi, tương tác này có thể là nhấn vào đường dẫn trong email, trả lời email, gọi điện đặt câu hỏi, đặt hàng…Thông thường, tỷ lệ phản hồi càng cao càng thể hiện dấu hiệu tích cực của chiến dịch, trừ trường hợp khách hàng phải hỏi lại vì nội dung truyền tải không thực sự rõ ràng, họ chỉ muốn hỏi lại nội dung viết trong thư.

Nếu bạn đang triển khai một chiến dịch bán hàng thông qua email thì tỷ lệ phản hồi trực tiếp ảnh hưởng đến số đơn hàng tạo ra, còn các chỉ số trên chỉ mang ý nghĩa đánh giá liệu thông điệp truyền tải có thực sự “tốt”, đối tượng nhận thư có thực sự “phù hợp”. Đôi khi tỷ lệ phản hồi cần được đo lường thông qua phương pháp khác như: nhận cuộc gọi đặt hàng (từ số liên lạc riêng để lại trong thư), khảo sát khách hàng (về cách họ tiếp cận thông tin)…

Việc theo dõi kỹ lưỡng các chỉ số này giúp doanh nghiệp có thể thay đổi, cập nhật tệp đối tượng cũng như nội dung truyền tải sao cho phù hợp !