Khái quát các công cụ xúc tiến thương mại trực tuyến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam
|Tại Việt Nam, Thương mại điện tử nói chung và hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các công cụ trực tuyến nói riêng mới thực sự được triển khai trong khoảng mười năm trở lại đây. Cụ thể, trong bản “Kế hoạch phát triển tổng thể thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010” được phê duyệt theo Quyết định 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nêu rõ mục tiêu: 60% các doanh nghiệp lớn bao gồm tập đoàn kinh tế, hệ thống tổng công ty phải ứng dụng thương mại điện tử; 80% các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ứng dụng thương mại điện tử theo các hình thức B2B, B2C. Tuy nhiên chỉ năm năm trở lại đây, các thiết bị điện tử và mạng viễn thông phát triển với tốc độ rất cao, tạo điều kiện cần cho việc bùng nổ thương mại điện tử cũng như hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến. Cụ thể, theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), tính đến tháng 11/2014, số người dùng Internet ở Việt Nam là trên 34 triệu người, chiếm 36% dân số, 80% trong số đó truy cập hàng ngày với thời gian trung bình từ 1-1,5 giờ, 36% trong số 900 người tham gia khảo sát sử dụng Internet 3-5 giờ ; cùng với đó là hơn 134 triệu thuê bao di động đang hoạt động khai thác hệ thống mạng viễn thông.
Trước thực trạng sử dụng hệ thống mạng và tài nguyên Internet như vậy, các doanh nghiệp cũng nỗ lực đẩy mạnh quá trình đưa các thiết bị điện tử, công nghệ cao vào áp dụng tại công ty. Trong một cuộc khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (2014) tại 3.538 doanh nghiệp Việt Nam (gồm 9% doanh nghiệp lớn, 91% doanh nghiệp vừa và nhỏ), 98% doanh nghiệp có máy tính để bàn và máy tính xách tay, 45% doanh nghiệp có máy tính bảng. Cũng theo cuộc điều tra này, chi phí đầu tư cho phần cứng của các doanh nghiệp là 43%, phần mềm là 23% và đào tạo nhân sự công nghệ thông tin là 18%.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do sự hạn hẹp về nguồn vốn, nên việc triển khai xúc tiến thương mại trực tuyến nói riêng vẫn còn sự hạn chế, chọn lọc. Cụ thể, trong số những công cụ trực tuyến áp dụng vào xúc tiến thương mại, truyền hình và đài phát thanh rất ít khi được các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng do chi phí cao. Theo Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình – Đài truyền hình Việt Nam (2015) chi phí cho 30 giây xuất hiện trên truyền hình từ 20.000.000 vnd – 400.000.000 vnd, tùy thuộc vào kênh và khung giờ phát sóng. Thay vào đó, các hình thức như website, thư điện tử, banner, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, tin nhắn thương hiệu được ứng dụng và phát triển mạnh.