Khung pháp lý trong thương mại điện tử (Phần 2)
|Xem Phần 1 tại đây: Khung pháp lý trong thương mại điện tử phần 1
Thứ hai, phố biến và áp dụng luật giao dịch điện tử tới các doanh nghiệp có áp dụng hình thức giao dịch điện tử. Điều này nhằm khuyến khích doanh nghiệp và khách hàng sử dụng phương thức giao dịch bằng phương tiện điện tử. Khi các hoạt động này được diễn ra đúng quy trình, đúng thủ tục thì sẽ giải quyết được các trường hợp vi phạm phát sinh giữa các bên, đồng thời khi khách hàng tin tưởng áp dụng các hình thức này thì hoạt động truyền tải thông tin có thêm sức mạnh để hỗ trợ cho hoạt động bán hàng. Điểm mạnh rõ ràng nhất khi kết hợp giao dịch điện tử với hoạt động xúc tiến là họa động giảm giá dưới dạng coupon, khi thực hiện giao dịch, khách hàng có thể nhập trực tiếp mã giảm giá để được hưởng ưu đãi. Mặt khác, với việc tích hợp giao dịch trực tuyến, doanh nghiệp dễ dàng triển khai các hoạt động tiếp thị lại, chăm sóc khách hàng (đặt mã chuyển đổi vào bước đặt hàng), vừa theo dõi được khách hàng tiềm năng, vừa đo lường được hiệu quả bán hàng…Hoạt động xúc tiến lúc này không dừng lại ở việc giao tiếp và tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng mà còn có thể hình thành giao dịch ràng buộc các bên, trực tiếp tác động đến hoạt động bán hàng. Việc phổ biến các quy định về giao dịch điện tử đã được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thông qua các hội nghị với sự tham gia của các Sở ban ngành, một số doanh nghiệp. Tuy nhiên những phổ biến này cần tới được những bên trực tiếp tham gia vào giao dịch điện tử, là những người mua hàng, là nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ. Khi quyền lợi của họ được bảo vệ bởi một luật pháp, họ mới tin tưởng thực hiện, tránh tâm lý lo sợ, nghi ngờ. Đây là những nguyên nhân chính cản trở người mua hàng chấp nhận giao dịch trực tuyến, cản trở hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến hỗ trợ cho hoạt động bán hàng.