Ứng dụng website trong xúc tiến thương mại trực tuyến

Ứng dụng của Website trong hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã tồn tại từ lâu và ngày một phát triển theo các giai đoạn phát triển của thương mại điện tử. Sau đây là những ứng dụng của website trong hoạt động xúc tiến nói riêng và kinh doanh nói chung

ung-dung-website-trong-xuc-ten-thuong-mai
Ứng dụng website trong xúc tiến thương mại

Ở cấp độ thương mại thông tin (i-Commerce), website đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thể hiện và truyền tải thông tin đến người tiêu dùng. Những thông tin này có thể được thiết kế dưới dạng hình ảnh, âm thanh, văn bản, đoạn video clip ngắn…nhằm mô tả, giải thích thông báo về một đối tượng nhất định. Đối tượng ở đây có thể là thông tin doanh nghiệp, miêu tả hàng hóa, một chính sách bán hàng, một kinh nghiệm hay một thông điệp mà chủ website muốn chia sẻ. Thông tin trong giai đoạn này mang tính chất một chiều từ phía doanh nghiệp tới thị trường. Ở đây, website có khả năng quảng cáo, đưa ra thông tin khuyến mại, trưng bày sản phẩm; nếu những thông tin, sản phẩm đó được đăng tải trên những website của cá nhân, tổ chức có tầm ảnh hưởng thì lúc này nó còn có thêm vài trò PR cho những đối tượng được nhắc tới.

Bước sang giai đoạn thứ hai, giai đoạn thương mại giao dịch (t-commerce), website lúc này giải quyết tốt yêu cầu có sự tương tác giữa chủ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Người dùng có thể thao tác trực tiếp trên website để trao đổi, liên hệ với chủ sở hữu, website có thêm vai trò to lớn đó là lắng nghe phản hồi từ phía người dùng thông qua việc tiếp nhận những giao dịch của họ. Đa số các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ đều tích hợp chức năng trưng bày sản phẩm trực tiếp trên trang web và người truy cập có thể xem, so sánh, tiếp nhận thông tin về những sản phẩm đó đồng thời để lại phản hồi, đặt hàng trực tiếp và thanh toán trực tuyến. Bên cạnh việc quảng cáo, PR, việc lắng nghe phản hồi từ phía người tiêu dùng và gợi mở những nhu cầu mới đều được thực hiện thông qua website.

Giai đoạn thứ ba của thương mại điện tử: thương mại cộng tác (c-commerce) là giai đoạn cao nhất của thương mại điện tử hiện nay, nó đòi hỏi sự cộng tác, phân phối cao giữa nội bộ doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhà cung cấp, khách hàng, ngân hàng. Website lúc này cũng đạt đến trình độ cao nhất khi tích hợp được những ứng dụng quản lý khách hàng (CRM), quản trị chuỗi cung ứng (SCM), quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Như vậy, khi phát triển đến giai đoạn này, website thực hiện khá đầy đủ chức năng xúc tiến thương mại khi vừa cung cấp, truyền tải thông tin đến thị trường, vừa lắng nghe, đáp ứng phản hồi từ phía thị trường và có những liên kết nhất định với bạn hàng, hay đối tác, dễ dàng đưa ra những hoạt động xúc tiến dành cho các đại lý nằm trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, một cá nhân hoàn toàn có thể xây dựng các website của riêng mình để chia sẻ thông tin, giới thiệu về một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, từ đó thuyết phục khách hàng mua hay sử dụng sản phẩm của công ty. Như vậy hoạt động bán hàng cá nhân có thể được đưa lên website như là một hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến.

Một hình thức website nữa cũng đã ra đời đó là các cổng thông tin thương mại điện tử. Tại đây các doanh nghiệp có thể đăng ký thành viên và tham gia trực tiếp cổng thông tin này bằng cách đưa nội dung muốn truyền tải nên. Khi người dùng tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu này, khả năng tìm thấy doanh nghiệp là cao hơn so với đăng ký trên các công cụ tìm kiếm phổ thông. Các website này thường được gọi là các “chợ rao vặt” nơi tập hợp nhiều người bán và nhiều người mua nhiều loại mặt hàng khác nhau.

Trên thế giới, hầu hết các nước đang phát triển ở gian đoạn 2 và 3 của thương mại điện tử. Như vậy, một website tốt có thể thực hiện được hầu hết các hình thức xúc tiến thương mại phổ biến.